UI UX là thuật ngữ phổ biến trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các công việc liên quan tới lập trình và thiết kế. Những bạn trẻ yêu thích việc phát triển sản phẩm và thiết kế giao diện thường có định hướng nghề nghiệp theo chuyên môn UI/UX.
Thế nhưng việc UI và UX thường đi song hành với nhau khiến không ít người còn nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này.
Hãy cùng Việc Làm Đà Nẵng khám phá định nghĩa UI UX là gì cùng như sự khác nhau giữa chúng để có thể định hướng công việc mơ ước một cách rõ ràng hơn nhé!
UI (viết tắt của User Interface) dùng để mô tả giao diện người dùng, bao gồm những yếu tố mà người dùng tiếp xúc với trang web hoặc ứng dụng đó.
Trong khi đó, UX (viết tắt của User Experience) chính là trải nghiệm của người dùng. Nói cách khác, đây là cách thức mà người dùng tương tác với những yếu tố UI được tạo ra.
Cả hai yếu tố UI UX đều rất quan trọng bởi tính tương trợ của chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lên quá trình sử dụng sản phẩm và cảm nhận của người dùng. Tuy vậy, vai trò của UI UX lại không hề giống nhau trên nhiều khía cạnh, từ cả quá trình phát triển sản phẩm cho tới những nguyên lý, nguyên tắc thiết kế.
Song, trước khi đi vào tìm hiểu điểm khác biệt của UI UX. Hãy cùng điểm sơ qua tính chất chuyên môn cụ thể của từng yếu tố UI UX nhé!
Thiết kế UX chính là tạo ra hành trình sử dụng sản phẩm thuận tiện, mang lại trải nghiệm tối ưu cho tương tác của người dùng.
Don Norman – “cha đẻ” của thuật ngữ “user experience” (trải nghiệm người dùng) đã mô tả định nghĩa của cụm từ này như sau (1):
“Trải nghiệm người dùng bao gồm tất cả các khía cạnh tương tác của người dùng cuối với công ty, dịch vụ và sản phẩm của công ty.”
Mặc cho định nghĩa này chưa hề nhắc đến khía cạnh công nghệ, kỹ thuật số, hay ứng dụng/website – nơi mà các bạn UX designer cần tiếp xúc và làm việc trên thực tế.
Song, định nghĩa từ Don Norman đã làm nổi bật rõ ràng từ khóa quan trọng “tương tác của người dùng”. Điều này cũng đồng nghĩa rằng UX có thể được ứng dụng cho mọi sản phẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế, cụm từ “UX” – hay cụ thể hơn là “thiết kế UX” được bắt đầu sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực kỹ thuật số. Cũng có thể bởi vì thuật ngữ này ra đời vào chính thời điểm các ngành công nghệ bắt đầu phát triển.
Như có nói ở trên, UX có thể ứng dụng cho tất cả mọi thứ có thể trải nghiệm được. Đó có thể là một website, ứng dụng điện thoại, máy pha cà phê, hay là không gian trải nghiệm mua sắm tại trung tâm thương mại.
Trải nghiệm người dùng sẽ liên quan mật thiết đến các tương tác giữa người dùng với sản phẩm, dịch vụ. Vậy nên, thiết kế UX là quá trình cân nhắc các yếu tố tạo thành có thể ảnh hưởng tới những trải nghiệm tương tác này.
Có thể bạn quan tâm: Những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc thiết kế đồ họa
“Đặt mình vào vị trí của người dùng” – Đây chính xác là châm ngôn mà bất cứ UX designer nào cũng phải nằm lòng dưới vai trò thiết kế trải nghiệm người dùng.
Thiết kế UX sẽ bao gồm quá trình quan sát và phân tích để lựa chọn các giải pháp phù hợp, tối ưu nhất cho trải nghiệm của người dùng. Cụ thể, UX designer cần đánh giá liệu người dùng có thể thực hiện tốt tất cả các bước trải nghiệm sản phẩm trong user flow (chuỗi hoạt động của người dùng) hay không.
User Flow là một sơ đồ minh họa khái quát hành trình mà người dùng của bạn sẽ đi qua website/ứng dụng để hoàn thành một mục tiêu hay hành động nhất định. (2)
Các câu hỏi cần đặt ra trong quá trình phát triển UX có thể gồm: Làm thế nào để bước thanh toán trở nên đơn giản cho khách hàng mua sắm online? Quá trình chuyển tiền online có được thực hiện và quản lý dễ dàng? Những thông tin hay tính năng nào người dùng sẽ cần đến để thao tác tiện lợi?
Tóm gọn lại, thiết kế UX chính là:
Hiểu đơn giản, thiết kế UI chính là thiết kế các yếu tố liên quan tới giao diện của một sản phẩm, cụ thể là trang web hoặc ứng dụng nào đó. Người thiết kế UI sẽ cần quan tâm đến các yếu tố tổng quát như dàn trang; bố cục màu sắc; cho đến những yếu tố chi tiết hơn như các nút chức năng, nội dung chữ viết, hình ảnh, và kể cả các hiệu ứng trên trang.
UI UX cũng như gỗ và nước sơn vậy. Trong khi trải nghiệm người dùng (UX) là một tập hợp các nhiệm vụ tập trung vào việc tối ưu hóa sản phẩm để sử dụng hiệu quả và thú vị.
Sau khi định hình được tính năng cần thiết, thiết kế giao diện người dùng (UI) chính là phần bổ sung giúp trải nghiệm trở nên đẹp mắt, thân thiện hơn với cách trình bày và tính tương tác giữa sản phẩm với người dùng.
Khác với UX, UI là một thuật ngữ thuộc riêng lĩnh vực kỹ thuật số. Theo đó, giao diện người dùng chính là điểm tương tác giữa người dùng và một thiết bị/sản phẩm kỹ thuật số – chẳng hạn như màn hình điện thoại, hay touchpad của máy pha cà phê,v.v.
Trên thực tế, khi áp dụng thiết kế UI vào việc xây dựng website và ứng dụng, chuyên viên thiết kế sẽ cần quan tâm đến phần nhìn, cũng như cảm nhận và tính tương tác trực quan của sản phẩm.
Tương tự UX, thiết kế UI là một vai trò có phần đa diện và nhiều thách thức. Trách nhiệm và phạm trù công việc sẽ bao gồm việc chuyển đổi quá trình phát triển sản phẩm, nghiên cứu, nội dung và bố cục; trở thành trải nghiệm hấp dẫn, rõ ràng và đáp ứng phù hợp với mong muốn của người dùng.
Mục tiêu của thiết kế UI chính là tập trung vào những yếu tố thẩm mỹ đang thịnh hành; được người dùng ưa chuộng. Cách phổ biến nhất là tham khảo những ứng dụng trong cùng một lĩnh vực (ví dụ như du lịch; thời trang; sách điện tử; v..v..).
Vậy nên, người làm UI cần nắm rõ thị hiếu của đối tượng người dùng mà doanh nghiệp nhắm đến để lựa chọn nút bấm, biểu tượng, bố trí, phông chữ, màu sắc, hình ảnh. Họ thích thiết kế bo tròn hay có góc vuông; tông màu ấm khi kết hợp với loại hình chữ viết nào sẽ thích hợp; v..v…
Bên cạnh đó, thiết kế UI còn cần phải truyền tải được hình ảnh và sức mạnh của thương hiệu qua giao diện sản phẩm, đảm bảo thỏa mãn tính nhất quán, thống nhất và thẩm mỹ chung.
Trên thị trường việc làm hiện nay, thông thường UI/UX sẽ được phụ trách bởi cùng một chuyên viên. Người này cần nắm vững kiến thức và thành thạo kỹ năng thiết kế đồ họa. Họ cũng cần thấu hiểu mong muốn, hành vi sử dụng trang web/ứng dụng của đối tượng người dùng.
Nhờ đó sẽ đạt được thiết kế không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn có tính năng tiện lợi; dễ hiểu và dễ sử dụng.
Tuy nhiên, đối với những trang web, ứng dụng có nhiều yếu tố phức tạp; hoặc cần phục vụ cho đối tượng người dùng đa dạng, có thể sẽ cần chuyên viên UX và UI riêng biệt.
UI giúp trang web/ứng dụng sở hữu một giao diện đẹp mắt, gây ấn tượng thị giác tốt. Còn UX giúp đảm bảo sự thân thiện, dễ sử dụng, nắm bắt đúng nhu cầu của người dùng.
Chẳng có khách hàng nào muốn trải nghiệm một trang web/ứng dụng đẹp nhưng khó tìm kiếm thông tin cần thiết. Ngược lại, dù trang web/ứng dụng sở hữu những chức năng dễ dùng; nhưng sẽ không thể thu hút nhiều lượt truy cập nếu thiết kế chỉ ở mức trung bình.
Vì vậy, đáp án chính xác ở đây chính là: UI UX đều quan trọng như nhau, và dĩ nhiên, cả 2 đều cần được đầu tư phát triển cân bằng.
Hãy thử tưởng tượng sản phẩm của bạn là một cơ thể sống. Những dòng code lập trình chính là bộ khung xương. Các tế bào chính là UX để cơ thể có thể phản ứng và hỗ trợ chức năng sống; trong khi đó, UI sẽ đại diện cho vẻ bề ngoài.
Vậy đó, điểm khác biệt rõ ràng nhất của UI UX ở đây chính là: thiết kế UX sẽ tập trung vào cảm nhận chung về sự trải nghiệm, còn thiết kế UI sẽ chú trọng vào giao diện sản phẩm, từ phần nhìn cho tới chức năng.
Như đã biết ở trên, tuy hai yếu tố này song hành cùng nhau, nhưng chức năng và nhiệm vụ của người làm vị trí UI và UX là hoàn toàn khác biệt.
UX designer sẽ cần cân nhắc và đánh giá toàn bộ hành trình người dùng để giải quyết các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như: những bước nào người dùng cần phải thực hiện, các hành động họ cần hoàn thành để đạt được mục tiêu nào đó,… – và đảm bảo mục tiêu chính: mang lại trải nghiệm sản phẩm tốt nhất.
Khi UX designer vạch ra bộ “khung sườn”, thiết kế UI sẽ biến những trải nghiệm này trở nên trực quan và dễ dàng nhìn nhận. Mục tiêu của người làm UI sẽ chú trọng đến khía cạnh hình ảnh và tính thẩm mỹ xuyên suốt hành trình người dùng, bao gồm từng giao diện màn hình, điểm chạm (touchpoints), nút bấm, lướt page hoặc chuyển ảnh trong thư viện,v.v.
Đa phần công việc của nhà thiết kế UX sẽ tập trung vào xác định vấn đề, pain-points (điểm đau) mà người dùng phải trải qua, từ đó đưa ra giải pháp sản phẩm phù hợp. Họ sẽ cần nghiên cứu sâu rộng về hành vi của tệp người dùng mục tiêu, cũng như nhu cầu của họ đối với một sản phẩm cụ thể.
Từ đó, UX designer sẽ vạch ra hành trình người dùng với các cấu trúc thông tin phù hợp và các chức năng tương ứng. Cuối cùng là thiết kế wireframe (cấu trúc dây/khung xây) – tựa như một phác thảo cơ bản – trước khi bắt tay vào thiết kế sản phẩm.
Trong khi UX designer vạch ra hành trình trải nghiệm sản phẩm, UI designer sẽ tập trung vào tất cả các chi tiết để đảm bảo “bộ khung” kế hoạch khả thi. Đương nhiên, trách nhiệm của họ không chỉ là thiết kế sản phẩm sao cho đẹp mắt. Một sản phẩm có thể hoạt động và toàn diện hay không đều nhờ vào đóng góp không nhỏ từ phía UI.
“Kết hợp màu sắc như thế nào để tăng độ tương phản và dễ đọc hơn?”, “Đâu là những cặp màu hỗ trợ hội chứng rối loạn màu sắc?”, “Nên để nút bấm ở vị trí nào cho thuận tiện?”… Đây vốn là một số câu hỏi mà người làm UI thường quan tâm đến.